Tin Tức

Hiệu quả từ phương pháp canh tác lúa hữu cơ

(QT) - Phương pháp canh tác hữu cơ trong những năm gần đây không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà còn góp phần cải tạo thổ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị với Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam) để triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích ban đầu gần 90 ha đã đem lại kết quả tích cực.

 

Hợp tác xã (HTX) Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh là đơn vị được chọn triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa sạch theo hướng hữu cơ với diện tích 20 ha trong tổng số 90 ha triển khai tại 13 HTX và tổ hợp tác của 6 huyện, thị xã, thành phố là Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà. Tại HTX Phước Thị có 80 hộ tham gia thực hiện mô hình, trong đó hộ nhiều nhất là 1,2 ha. Giống lúa được đưa vào sản xuất là giống RVT, theo phương thức sạ lan (7kg giống/sào), áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao, sử dụng phân bón Obi - Ong Biển của Công ty Đại Nam. Quá trình canh tác người nông dân chỉ được phun thuốc diệt cỏ một lần ở giai đoạn tiền nảy mầm.

 

Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị cho biết: “Sau khi gieo 2- 30 ngày, ở ruộng mô hình cây lúa sinh trưởng và phát triển bình thường, lúa không vươn cao, ít đẻ nhánh, không mượt, trong khi đó lúa sản xuất theo truyền thống sử dụng phân bón hóa học thì phát triển nhanh, cây cao hơn nên người dân rất băn khoăn. Đặc biệt sau khi gieo 15 ngày thì rầy lưng trắng xuất hiện gây hại và gia tăng mật độ rất nhanh trên ruộng mô hình và ruộng sản xuất đại trà. Lúc đó người dân hoang mang lắm, đề nghị phun thuốc trừ sâu nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Thời điểm đó các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật của Công ty Đại Nam phải ngồi canh cả ngày ở ruộng mô hình và cam kết với người dân sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu lúa bị sâu bệnh gây hại, lúc đó bà con mới tạm yên tâm”.

 

Và đúng như cam kết của công ty, trong khi các chân ruộng khác bị nhện dé, sâu cuốn lá, rầy gây hại cho lúa phải phun thuốc nhiều lần thì ruộng mô hình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuy có sâu, rầy nhưng mật độ không gây hại cho lúa. Diện tích lúa ở tất cả các điểm mô hình đều không bị bệnh lùn sọc đen gây hại. Thực hiện theo cam kết, Công ty Đại Nam ký kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa với 13 HTX, Tổ hợp tác với tổng diện tích thực hiện trong vụ hè thu 2017 là gần 90 ha.

 

Trong đó công ty cho tạm ứng phân bón với giá ngang bằng mức đầu tư phân bón truyền thống của nông dân là hơn 40 ha, hỗ trợ 100% phân bón cho gần 50 ha. Các mô hình đều được sử dụng giống lúa chất lượng cao RVT, thực hiện trên quy mô cánh đồng liền khoảnh tối thiểu 0,5 ha, vùng đất không bị ô nhiễm, không chịu khí thải công nghiệp, có hệ thống kênh mương tưới tiêu tốt, đủ nguồn nước để đảm bảo chủ động tưới tiêu, thoát nước cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

 

Đánh giá về hiệu quả kinh tế, đối với ruộng mô hình công ty bù giống, hỗ trợ 100% phân bón, nông dân thu lợi nhuận 28,2 triệu đồng/ ha, cao hơn sản xuất lúa chất lượng cao canh tác truyền thống 19,4 triệu đồng/ha. Đối với ruộng mô hình công ty có hỗ trợ bù giá phân bón và giống, nông dân thu được lợi nhuận 19,7 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa chất lượng cao HC 95 theo canh tác truyền thống là 10,6 triệu đồng/ ha. Đối với mô hình nông dân chi phí 100% phân bón Ong Biển thì tổng chi phí cho 1ha ruộng cao hơn 1,5 lần so với sản xuất truyền thống (chi phí phân bón gấp 4,2 lần và giống lúa 1,5 lần).

 

Tổng thu ruộng mô hình cao hơn ruộng đại trà 6,7 triệu đồng/ ha. Chia sẻ thêm về quá trình vận động nông dân tham gia thực hiện mô hình, chị Phạm Diễm Lệ, đại diện Công ty Đại Nam nhớ lại: “Thời gian đầu tôi trực tiếp đi thuyết phục các HTX tham gia dự án, nhiều người trả lời thẳng thắn rằng họ bị lừa nhiều rồi, nhiều đơn vị vận động người dân tham gia dự án, cam kết thu mua sản phẩm nhưng rồi không thực hiện. Chúng tôi phải thuyết phục, cam kết bằng việc ký kết hợp đồng và có sự đảm bảo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì bà con mới mạnh dạn tham gia. Hôm về thu mua sản phẩm tại HTX Diên Khánh, xã Hải Dương, năng suất lúa đạt 5,6 tấn/ha, chúng tôi thu mua tại ruộng với giá lúa tươi 7 nghìn đồng/kg, bà con phấn khởi lắm”.

 

Đến thời điểm này, công ty đã tiến hành thu mua sản lượng của gần 44 ha lúa trong tổng số 90 ha tham gia mô hình. Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ tuy mới thực hiện vụ đầu tiên, trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn, nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hiểm phát sinh nhưng so với sản xuất truyền thống, mô hình này đã cho kết quả khả quan. Điều quan trọng nhất là với quy trình canh tác lúa chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, không sử dụng phân bón vô cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh đã góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức về sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ cho nông dân.

 

Với những kết quả tích cực bước đầu này, việc nhân rộng mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ là rất khả quan, là cơ sở quan trọng để hướng tới xây dựng thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ Quảng Trị trong tương lai gần.

 

Tìm hiểu thêm về QTOrganic:
Website: www.qto.vn
Hotline:0386 79 79 79
Địa chỉ: 138 Vũ Tông Phan, Phường An Phú, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
MUA NHANH tại các sàn thương mại điện tử:
Shopee: https://shp.ee/cnevexp
Lazada: https://www.lazada.vn/shop/qtorganic
Tiki: https://tiki.vn/cua-hang/gao-huu-co-quang-tri
Sendo:https://www.sendo.vn/shop/qtorganic

 



Các tin khác

Về QTOrganic

Tin Tức

    Video


    Mua hàng thành công
    Giỏ Hàng 0

    Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng