Tin Tức

(nognghiep.vn-Bài 4) Nụ cười của người nông dân

Những cánh đồng lúa hữu cơ theo hình thức liên kết đã mang lại những đổi thay tích cực cho nhiều vùng quê. Không ít nông dân đã có thể làm giàu từ cây lúa.

Ông Võ Văn Hưng – Nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT vui vẻ nói “Chỉ những người nông dân mới thực sự cảm nhận được sự đổi thay sâu sắc về cách nghĩ, cách làm mới. Hạt gạo làm ra từ Tâm mang đến niềm vui không chỉ là vật chất mà cả tinh thần cống hiến cho xã hội và tương lai của mai sau”.

 

Tiền “tươi” và thóc “sạch”

 

Khép lại niên vụ 2019, ông Lê Minh Đới, xã viên HTX Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) rất phấn khởi vì diện tích lúa gần 9 mẫu của gia đình vừa được mùa lại được cả giá. Đây cũng là niên vụ thứ 6 liên tiếp mà gia đình ông Đới được mùa kể từ ngày chuyển sang canh tác lúa hữu cơ thay cho trồng lúa theo cách truyền thống.

 

Niềm vui vủa người nông dân Quảng Trị trên đồng lúa hữu cơ. Ảnh: CĐ.

 

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà mới xây khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Lê Minh Đới cho biết, kinh phí làm căn nhà này của gia đình chủ yếu từ sự tích góp của vài vụ trồng lúa hữu cơ gần đây.

 

Là con nhà nông chính hiệu, ông Đới sinh ra và lớn lên cùng ở vùng đất lúa Hải Lăng nên ông rất nặng tình với loại cây trồng này. Thế nhưng trước đây, người dân quê ông chỉ trồng lúa theo cách thông thường. Thời điểm đó, sâu bệnh nhiều nên hầu như nông dân nào cũng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Không chỉ vậy, do đất đai cằn cỗi dẫn đến năng suất lúa thấp nên người dân phải sử dụng các loại phân bón vô cơ để bón. Đây là những nguyên nhân chính khiến cho đất đai ngày càng bạc màu, môi trường sống của các loài thủy sinh đồng ruộng và cả con người bị đe dọa.

 

Tuy nhiên, từ năm vụ lúa năm 2017 đến nay, mọi chuyện đã khác. Kể từ khi HTX Đại An Khê triển khai mô hình liên kết vớiCông ty Cổ phần Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) là đơn vị thành viên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (Cty Đại Nam, có địa chỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu), thực hiện trồng lúa theo hướng hữu cơ đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho nhiều nông dân ở HTX Đại An Khê. Tham gia liên kết, người dân được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu tiêu thụ sản phẩm nên hoàn toàn yên tâm về đầu ra sản phẩm.

 

Ông Đới cho rằng, làm lúa hữu cơ theo hình thức liên kết có nhiều cái lợi. Đó là cứ vào mùa thu hoạch, khi lúa gặt xong đã có ngay người của doanh nghiệp đến thu mua tại chân ruộng với giá cao theo cam kết. Khi lúa được thu mua tại ruộng, người dân giảm đi rất nhiều chi phí như phơi sấy, cất trữ, nhờ đó tăng lợi trên một đơn vị diện tích canh tác. Cái lợi nữa là trong suốt quá trình sản xuất nông dân còn được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất, sản lượng lúa cũng được nâng lên.

 

Và điều khiến người dân ở HTX Đại An Khê hào hứng hơn cả là kể từ ngày làm lúa hữu cơ, môi trường sống ở địa phương đã được cải thiện đáng kể bởi nỗi lo sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật không còn nữa. Để minh chứng cho việc sản xuất lúa hữu cơ "xanh, sạch", ông Đới đã dẫn tôi tham quan cánh đồng lúa hữu cơ của HTX vào một buổi chiều muộn. "Anh thấy đó, từ ngày dân ở đây trồng lúa hữu cơ, đồng ruộng đã không còn sạch bóng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Ruộng đồng nay đã “sạch” hơn trước nhiều rồi”, ông Đới nói đầy tự tin.

 

Nhờ làm lúa hữu cơ, nông dân xây được nhà khang trang. Ảnh: CĐ.

 

Còn theo ông Trần Hoài, một xã viên thuộc HTX Nông sản Đức Xá (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh, Quảng Trị) cho biết, từ ngày làm lúa hữu cơ, dân Đức Xá chúng tôi chính thức chia tay với mọi loại thuốc trừ sâu hóa học, phân bón vô cơ, đến cả bình thuốc trừ sâu cũng ít khi sử dụng. Đã nhiều năm, đồng ruộng Đức Xá lại nhìn thấy những loài sinh vật có ích, không khí trong lành. "Bây giờ gạo hữu cơ Quảng Trị đã nức tiếng trong ngoài nước. Trong sự nổi tiếng đó đều có sự đóng góp từ hạt gạo từ đồng ruộng của người dân Đức Xá chúng tôi", ông Hà tự hào.

 

Ấm no từ cây lúa hữu cơ

 

Nhấp một ngụm chè xanh, với nụ cười hồn hậu, ông Giám đốc HTX Nông sản Đức Xá Nguyễn Văn Hải, nhẩm tính, với mức giá thu mua 6.000 đồng/kg lúa sản xuất hữu cơ, cao hơn khoảng 20% so với lúa sản xuất truyền thống, lại được thu mua ngay tại ruộng, bình quân mỗi vụ bà con nông dân lãi từ 18-20 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. “Ở một vùng quê còn nhiều khó khăn này, nông dân mà có thu nhập từ cây lúa được như vậy là một thành công ngoài mong đợi rồi”, ông Hải tâm sự.

 

Là một trong những HTX tiên phong tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, đến nay HTX Nông sản Đức Xá đã hình thành cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ, với tổng diện tích lên đến 42 ha. Các giống lúa người dân đưa vào canh tác là RVT, ST24....

 

 Thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, cánh đồng lúa hữu cơ của HTX Nông sản Đức Xá hoàn toàn sử dụng sản phẩm phân bón Ong biển của QTOrganic trong toàn bộ quá trình canh tác. Trải qua 6 vụ, bắt đầu từ vụ Hè Thu 2017, mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ của HTX Nông sản Đức Xá đã mang lại những hiệu quả thiết thực bước đầu cho các xã viên. “Như năm vừa rồi, doanh thu của HTX đạt gần 6 tỷ đồng, trong đó phần lớn từ trồng lúa hữu cơ. Nhờ đó, thu nhập của xã viên cũng đạt bình quân từ 200 – 300 triệu đồng/năm”, ông Hải hồ hởi cho biết.

 

Lúa hữu cơ đang hứa hẹn cho thêm vụ mùa bội thu. Ảnh: CĐ.

 

Ông Nguyễn Văn Hà, một xã viên của HTX Nông sản Đức Xá cho biết, theo thời giá hiện tại mỗi héc ta canh tác lúa hữu cơ, nông dân có lãi 20 triệu đồng/ha/vụ, nhiều có nơi năng suất cao có thể đạt 30 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp đôi so với sản xuất lúa thông thường. Và điều vui mừng hơn cả đó nỗi lo canh cánh được mùa mất giá nay không còn nữa vì 100% diện tích lúa đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. “Chưa kể việc trồng lúa hữu cơ cần rất ít nhân công chăm sóc, sâu bệnh cũng ít hơn. Cấy lúa xong thì bón phân hữu cơ một, hai lần rồi rung đùi chờ thu hoạch", ông Hà nói.

 

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 600 ha lúa hữu cơ, được trồng chủ yếu tại các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh như Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh… Trong đó, có khoảng 200ha là thành quả của dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững giữa tỉnh Quảng Trị và QTOrganic

 

Tính đến nay đã có 6 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai ký kết hợp đồng liên kết với QTOrganic sản xuất lúa hữu cơ. “Nông dân tham gia liên kết trồng lúa hữu cơ sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ 100% phân bón, giống và được thu mua sản phẩm lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá 6.000 đồng/kg (giống lúa RVT). Ngoài ra, nông dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa tươi giống lúa mới ST24 với kinh phí 26 triệu đồng/ha nên hoàn toàn yên tâm về đầu ra sản phẩm”- bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc QTOrganic, nói.

Tâm Nguyễn 



Các tin khác

Về QTOrganic

Tin Tức

    Video


    Mua hàng thành công
    Giỏ Hàng 0

    Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng