Tin Tức

(nongnghiep.vn-Bài cuối) Đánh thức tiềm năng lớn

 

Quảng Trị đã có trên 100 mô hình nông nghiệp hữu cơ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân cho hiệu quả ổn định, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn…

Trao đổi với chúng tôi về một nền nông nghiệp hữu cơ, ông Võ Văn Hưng (nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Quảng Trị) cho biết, từ những mô hình ban đầu, đến nay Quảng Trị đã có bước tiến vững chắc trong xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để mang lại cho bà con nông dân thu nhập cao trên  đồng đất của mình.

 

Ông Võ Văn Hưng, nguyên GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị (thứ hai từ trái sang) thăm mô hình nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: T.N

 

Rõ ràng, Quảng Trị không có thế mạnh về đồng lúa, hạt gạo so với các tỉnh khác trong nước. Nhưng khi hạt gạo mang tên “made in Quảng Trị” có đủ sức hút với người tiêu dùng và có những bước tiến dài trên thị trường thì đã tạo nên được sự thay đổi lớn với bà con nông dân về một cách làm nông nghiệp. Theo ông Võ Văn Hưng, đó chính là thay đổi cách nhìn, về tư duy hướng tới nông nghiệp hữu cơ của nông dân.

 

Lộ trình mà tỉnh Quảng Trị thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững” là chủ động thu hút, mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Mối liên kết “4 nhà”, “5 nhà” giữa doanh nghiệp với nông dân, với khoa học, với thị trường sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với tinh thần này, Quảng Trị không làm ồ ạt, nóng vội mà có từng bước đi dựa trên nền tảng hiệu quả từ những vùng đất, những cánh đồng để sau đó nhân rộng các mô hình với tầm vóc lớn.

 

Sự thành công đầu tiên trong mối liên kết doanh nghiệp - nông dân chính là mô hình làm lúa gạo hữu cơ. Mô hình mà Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi-Ong Biển  được trình diễn đầu tiên ở huyện Gio Linh từ vụ Hè Thu 2017.

 

Cam kết ban đầu của doanh nghiệp tạo cho nông dân có thêm lợi thế “sân nhà” để an tâm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chỉ qua 5 vụ lúa thắng lợi, người nông dân lần đầu tiên có được ‘tiền tươi” lãi trên cánh đồng mà mình đã đổ mồ hôi công sức xuống đó. Mức lợi nhuận cứ tăng dần theo thời gian, từ 22 triệu đồng/ha lên 30 triệu đồng rồi 40 triệu đồng/ha và con số đó chưa hẳn đã dừng lại.

 

Đến nay, mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ đã được nhân rộng ra trong 4 huyện tham gia với tổng diện tích lên gần 600ha. Trong tương lai gần, lúa hữu cơ sẽ được mở rộng trên 6.000 ha, tạo cánh đồng lớn của Quảng Trị.

 

Nông dân Quảng Trị phấn khởi khi có thu nhập cao từ nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: T.N

 

Từ những mô hình có hiệu quả ban đầu như gạo hữu cơ, cam sạch, chanh leo xuất khẩu… Quảng Trị đã hình thành mới hơn 100 mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Hầu hết, các mô hình đều có hiệu quả, ổn định và tạo lòng tin cho nông dân hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ.

 

Ông Võ Văn Hưng, khi còn làm Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, đã chỉ đạo nghành tập trung xây dựng và và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sau 2 năm thực hiện, các địa phương trong tỉnh đã có gần 1.000 ha thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ. “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế hơn 1,2 - 1,5 lần so với truyền thống, mà còn mang lại các giá trị to lớn về môi trường và sức khỏe người dân. Và điều quan trọng nhất là người nông dân trong tỉnh đã tự tin để làm nông nghiệp hữu cơ”- ông Võ Văn Hưng nói thêm.

 

 

Những mô hình nông nghiệp hữu cơ đã đưa Quảng Trị có những sản phẩm sánh được với những địa phương vốn có tiềm năng và lợi thế. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như: Gạo hữu cơ và các sản phẩm Organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân… Đặc biệt, lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị được xuất khẩu qua Mỹ và Pháp; chanh leo đã tiến vào được thị trường Châu Âu. Đó có thể là chìa khóa mở cánh cổng rộng ra để đón sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Quảng Trị vươn ra thị trường thế giới.

 

Mở ra một tiềm năng lớn

 

Những vùng đất miền tây của các  huyện Hướng Hóa, Khe Sanh, Cam Lộ…đến vùng cát ven biển của Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh…ẩn chứa một tiềm năng lớn đang dần dần được đánh thức.

 

Điều đó dã đđược minh chứng qua việc nhiều doanh nghiệp lớn đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Khi vùng đất đồi hoang miền tây trở thành vùng nguyên liệu xuất khẩu dứa của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, hay những dự án tiếp theo của Công ty TNHH TM Đại Nam, của Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị. Nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn Sumitomo, FLC… cũng đã gõ cửa và bước vào cảm kết đồng hành với nông dân Quảng Trị phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 

Khi bắt tay vào xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ đầu tiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã nhiều lần thực tế cơ sở để nhìn nhận thực tế hiệu quả các mô hình và đưa ra những định hướng cơ bản cho việc phát triển nông nghiệp tại địa phương.

 

Gạo hữu cơ Quảng Trị đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ảnh: T.N

 

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhìn nhận, những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hưỡng bền vững. Một trong những bước đột phá là đã từng bước ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. “Tỉnh đã tích cực kêu gọi và thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và hiệu quả cao”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

 

Từ những định hướng và hiệu quả ban đầu, Quảng Trị bước tiếp đến những dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp bảo quản, chế biến với các nhà máy bảo quản, chế biến nông sản. Đơn cử, Cty My Anh - Khe Sanh đang đầu tư xây dựng nhà máy thu mua, chế biến và bảo quản sản phẩm chuối và một số loại trái cây khác với công suất 27 - 36 ngàn tấn/năm .

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Trị đã có những bước đi vững chắc với nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao. Hàng chục trang trại chăn nuôi áp dụng hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh chứng nhận VietGAP với quy mô lớn.

 

Để mở ra được tiềm năng lớn cho nong nghiệp Quảng Trị, theo ông Võ Văn Hưng thì:  “Từ các mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức của nông dân, giúp họ hiểu chất lượng sản phẩm nông nghiệp mới là điều quan trọng. Phải tạo được sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại hiệu quả lớn cho người sản xuất”.

Tâm Nguyễn - Báo nongnghiep.vn



Các tin khác

Về QTOrganic

Tin Tức

    Video


    Mua hàng thành công
    Giỏ Hàng 0

    Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng